Loạn khuẩn đường ruột là một bệnh lý thông thường mà ai cũng có nguy cơ mắc phải. Do có những biểu hiện không quá nguy hiểm và không rõ nguyên nhân gây bệnh nên mọi người thường có phần chủ quan. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, loạn khuẩn đường ruột có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm, nhất là ở trẻ em.

Loạn khuẩn đường ruột là bệnh gì?

Loạn khuẩn đường ruột xảy ra khi hệ lợi khuẩn và hại khuẩn trong đường ruột bị mất cân bằng. Đường ruột của con người có một hệ sinh thái đa dạng các vi khuẩn sống cộng sinh, bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Tỷ lệ lợi khuẩn/hại khuẩn thông thường ở một người khỏe mạnh là 85% và 15%.

Nếu tỷ lệ này được duy trì cân bằng, các hoạt động của hệ tiêu hoá sẽ diễn ra bình thường. Bao gồm các quá trình hấp thu, chuyển hoá và thải trừ các chất độc. Các hại khuẩn trong đường ruột cũng được kìm hãm và không thể gây bệnh. 

Trái lại, khi tỷ lệ này bị phá vỡ do lượng hại khuẩn tăng lên hoặc lượng lợi khuẩn giảm đi, loạn khuẩn đường ruột sẽ xảy ra.

Dấu hiệu, triệu chứng của loạn khuẩn đường ruột

Tiêu chảy hay đi ngoài phân lỏng là triệu chứng thường thấy nhất ở loạn khuẩn đường ruột. Ngoài ra, một số triệu chứng điển hình khác có thể kể đến như:

  • Phân lỏng có chất nhầy, phân sống, thậm chí phân có dính máu trong trường hợp nghiêm trọng.
  • Đi ngoài liên tục, thậm chí một ngày đi ngoài từ 8-11 lần, những trường hợp nặng số lần đi ngoài nhiều gấp đôi.
  • Người bệnh đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, thậm chí cảm thấy đau bụng dữ dội.
  • Mất nước, mất điện giải, mệt mỏi, suy nhược, đau cơ, chóng mặt và buồn nôn.
  • Mụn mọc nhiều, một số trường hợp mắc chứng táo bón.

tre_loan_khuan_duong_ruot.png

Đau bụng và tiêu chảy là hai triệu chứng phổ biến nhất của loạn khuẩn đường ruột.

 

Nguyên nhân gây loạn khuẩn đường ruột là gì?

Tuỳ vào từng nhóm tuổi cụ thể sẽ có những nguyên nhân gây loạn khuẩn đường ruột khác nhau. Trong bài viết này, nguyên nhân gây loạn khuẩn đường ruột trình bày dưới 4 nhóm đối tượng chính:

Loạn khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để có miễn dịch từ mẹ. Sức đề kháng còn non nớt ở trẻ sơ sinh chính là cơ hội để các hại khuẩn tấn công. Những trẻ uống sữa công thức thay cho sữa mẹ có xu hướng nhiễm khuẩn E.coli nhiều hơn. Bên cạnh đó, một vài yếu tố khác khiến trẻ sơ sinh loạn khuẩn đường ruột gồm có:

  • Mẹ hoặc trẻ sử dụng nhiều kháng sinh khiến chúng tiêu diệt cả hại khuẩn lẫn lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa.
  • Trẻ mắc các bệnh di truyền về đường tiêu hóa, chủ yếu là bệnh thiếu men tiêu hóa.
  • Một số bệnh nhiễm khuẩn khác như nhiễm trùng đường ruột, nhiễm khuẩn ruột do trẻ ăn dặm quá sớm.

Loạn khuẩn đường ruột ở trẻ em

Trẻ em tuy đã có hệ miễn dịch tốt hơn so với trẻ sơ sinh. Nhưng do đang trong độ tuổi muốn khám phá mọi thứ, việc cho đồ chơi vào mồm hay ăn những món ăn lạ rất dễ làm cho hệ tiêu hóa của trẻ bị vi khuẩn tấn công. Ngoài ra, một số nguyên nhân chính gây loạn khuẩn ở trẻ em là:

  • Trẻ sử dụng kháng sinh để điều trị kéo dài.
  • Trẻ không được vệ sinh răng miệng tốt, bị vi khuẩn trú ngụ trong khoang miệng.
  • Biếng ăn kéo dài khiến trẻ suy dinh dưỡng, còi xương và loạn khuẩn đường ruột.
  • Bố mẹ pha sữa công thức cho trẻ không đúng cách hay cho trẻ uống sữa không được bảo quản kỹ.

Vi-khuẩn-trú-ngụ-trong-răng-làm-cho-trẻ-mắc-loạn-khuẩn-đường-ruột.jpg

Vi khuẩn trú ngụ trong răng miệng làm cho trẻ mắc loạn khuẩn đường ruột.

 

Loạn khuẩn đường ruột ở người lớn

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến loạn khuẩn đường ruột ở người lớn là do chế độ ăn không lành mạnh. Những nguyên nhân khác có thể kể đến bao gồm:

  • Việc sử dụng nhiều chất kích thích cũng như ăn thực không đảm bảo vệ sinh chính là nguyên nhân khiến một bộ phận không nhỏ mắc chứng loạn khuẩn đường ruột. 
  • Căng thẳng kéo dài, làm việc quá độ hay ngủ không đủ trong thời gian dài cũng làm hệ miễn dịch yếu đi và vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể hơn.
  • Lạm dụng kháng sinh kéo dài khiến mất cân bằng hệ vi sinh.

Loạn khuẩn đường ruột ở người già

Người già cũng là một trong những đối tượng có hệ miễn dịch yếu và suy giảm. Do hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa của người già không ổn định, tỷ lệ người cao tuổi mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn đường ruột cao hơn nhiều so với người trưởng thành.

Biến chứng xảy ra khi loạn khuẩn đường ruột kéo dài

Trong trường hợp trẻ em bị loạn khuẩn đường ruột khiến tiêu chảy kéo dài mà không điều trị kịp thời. Biến chứng của loạn khuẩn có thể xảy ra là rối loạn điện giải, mất nước nghiêm trọng dẫn đến kiệt sức, suy dinh dưỡng và có thể tử vong. Ngoài ra, một số biến chứng khác gồm có:

  • Mất trí nhớ khởi phát muộn.
  • Đau dạ  dày và tá tràng.
  • Bệnh tim hoặc suy tim.
  • Viêm loét dạ dày.

Suy tim là một trong những biến chứng nguy hiểm của loạn khuẩn đường ruột

Suy tim là một trong những biến chứng nguy hiểm của loạn khuẩn đường ruột

Cách điều trị và phòng tránh loạn khuẩn đường ruột hiệu quả

Khi đã nắm rõ được dấu hiệu và nguyên nhân của bệnh, vậy làm thế nào để điều trị và phòng tránh loạn khuẩn hiệu quả? Một số phương pháp điều trị giúp bạn tham khảo gồm có:

Cách điều trị

Dưới đây là một số kháng sinh có tác dụng kiểm soát vi khuẩn, khắc phục nguyên nhân gây ra loạn khuẩn đường ruột. Tuy nhiên bạn cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Thuốc tây y

  • Co- trimoxazole (Septrin): Kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường ruột và tiết niệu.
  • Rifaximin (Xifaxan): Kháng sinh điều trị các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích - đây là một tình trạng phổ biến của loạn khuẩn đường ruột.
  • Ciprofloxacin: Một loại thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường ruột do rối loạn sinh học.

Lưu ý: Thời gian sử dụng kháng sinh không được quá 1 tuần. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số thuốc khác để điều trị các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, ợ hơi như: Smecta, Siliga, Maalox Plus,...

Thuốc đông y

Một phương pháp khác để điều trị loạn khuẩn đường ruột là sử dụng dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên an toàn, lành tính. Dưới đây là một số vị thuốc giúp điều trị loạn khuẩn đường ruột hiệu quả dành cho bạn:

Bạch truật

Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Kyung Hee năm 2018 đã chỉ ra:

  • Bạch truật có hiệu quả tốt trong điều trị các triệu chứng do loạn khuẩn đường ruột gây ra như chán ăn, chướng bụng hay tiêu chảy.
  • Theo y học cổ truyền Trung Hoa, bạch truật có tác dụng kiện tỳ, giải quyết tình trạng thức ăn ứ đọng bất thường trong đường tiêu hóa.

Bạn có thể sử dụng bạch truật bằng cách trộn với đất rồi sao lên để chỉ tả, chữa tiêu chảy hoặc sử dụng những chế phẩm chứa cao bạch truật. Một số đối tượng không nên dùng bạch truật gồm những người bị hen suyễn, tiểu dắt hay viêm ruột cấp do nhiễm trùng nặng.

Hoài sơn

Hoài sơn (tên khoa học là Dioscorea persimilis), theo y học cổ truyền, Hoài sơn được coi là một vị thuốc bổ, chữa ăn uống kém tiêu, tỳ vị hư nhược hay viêm ruột kinh niên, tiêu chảy lâu ngày.

Liều dùng thông thường của Hoài sơn là từ 10-20g dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Hoài sơn kết hợp với quả giun, hạt keo, ý dĩ có tác dụng cải thiện kém ăn nôn trớ hiệu quả ở trẻ.

Sơn tra

Sơn tra hay còn gọi là hồng quả, sơn lý hồng hay yên chi là một loại quả có chứa những dưỡng chất tốt cho  sức khỏe như fructose, protein, vitamin C. caroten hay canxi cao rất thích hợp cho phụ nữ có thai. Với tính ôn, vị chua ngọt, sơn tra có tác dụng trị các triệu chứng của loạn khuẩn đường ruột như đầy bụng không tiêu, rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy rất tốt. Bạn có thể sắc hoặc hầm từ 6-12g sơn tra để sử dụng mỗi ngày.

 

Bạch truật, sơn tra hay hoài sơn là những vị thuốc điều trị loạn khuẩn đường ruột hiệu quả.

Bạch truật, sơn tra hay hoài sơn là những vị thuốc điều trị loạn khuẩn đường ruột hiệu quả.

Chế độ chăm sóc phòng tránh loạn khuẩn đường ruột

Loạn khuẩn đường ruột thường chỉ kéo dài từ 3-5 ngày và sau đó sẽ tự khỏi. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể áp dụng một số biện pháp giúp cải thiện triệu chứng nhanh chóng như: 

Chế độ ăn uống

Một chế độ ăn uống lành mạnh vừa giúp bạn tăng cường sức đề kháng của bản thân, vừa tránh được các tác nhân gây ra loạn khuẩn đường ruột. Dưới đây là một vài chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của người bị loạn khuẩn đường ruột

  • Nguồn dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn của người bệnh mắc loạn khuẩn đường ruột cần cân đối, đủ 4 nhóm chất cần thiết như chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và khoáng chất.
  • Đa dạng các nguồn thực phẩm giàu chất xơ như cải xanh, rau muống, các loại củ có màu như đỏ, cam giúp cung cấp các nhóm vitamin và chất xơ cho hệ tiêu hóa.
  • Lựa chọn các thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Trong thời gian điều trị bệnh, không nên ăn những thực phẩm cay nóng hay đồ ngọt. Nếu trẻ mắc loạn khuẩn đường ruột khi đang bú mẹ thì mẹ cần kiêng đồ ngọt.
  • Không cho trẻ ăn dặm sớm trước 6 tháng. Khi cho trẻ uống sữa, bố mẹ cần pha đúng như chỉ dẫn của nhà sản xuất, không nên để sữa quá 1 giờ đồng hồ.

Chế độ sinh hoạt

  • Vệ sinh sạch sẽ: Chú ý rửa tay và bảo đảm cho trẻ rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bên cạnh đó dụng cụ nhà bếp cũng cần được sạch khuẩn trước khi chế biến.
  • Đồ chơi của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ bằng nước sôi, không nên để trẻ dưới 2 tuổi cho đồ chơi vào miệng.
  • Thể dục thể thao thường xuyên, tránh thức quá khuya, ngủ không đủ giấc hay làm việc quá sức.
  • Khám định kỳ hằng năm để kiểm tra sức khoẻ, không lạm dụng khác sinh quá nhiều.
  • Kiểm tra lại nguồn thực phẩm hoặc thành phần của thuốc để xác định bạn có bị loạn khuẩn đường ruột do dị ứng hay không.

Sử dụng chế phẩm vi sinh bổ sung lợi khuẩn tối ưu

Sử dụng các chế phẩm vi sinh có chứa lợi khuẩn (probiotic, biolactin hay Bacillus subtilis,...) sẽ giúp hệ vi sinh trong đường ruột cân bằng lại một cách nhanh chóng. Chúng chứa hàng tỷ lợi khuẩn, lập lại trạng thái cân bằng trong đường tiêu hóa, cải thiện nhanh chóng các triệu chứng loạn khuẩn đường ruột gây ra. Hỏi ý kiến bác sĩ hay chuyên gia y tế về liều lượng phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất.

Hỏi ý kiến của bác sĩ về liều lượng sử dụng các chế phẩm bổ sung lợi khuẩn tối ưu nhất.

Hỏi ý kiến của bác sĩ về liều lượng sử dụng các chế phẩm bổ sung lợi khuẩn tối ưu nhất.

Loạn khuẩn đường ruột là một căn bệnh phổ biến và sẽ cải thiện nhanh chóng nếu được chăm sóc và điều trị tốt. Chú ý rửa tay thường xuyên cũng như có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh. Bên cạnh đó, bạn có thể cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hóa bằng cách sử dụng các thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chứa lợi khuẩn và các loại thảo dược lành tính.

Minh Huệ

Bình luận