Rạn da là vấn đề da liễu thường gặp của phụ nữ, đặc biệt ở người mang thai. Rạn da không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, khiến người mắc cảm thấy tự ti bởi làn da của chính mình. Dưới đây là 6 câu hỏi thường gặp về tình trạng rạn da mà rất nhiều người băn khoăn, thắc mắc.

Rạn da là gì?

Rạn da là những dải đường song song hoặc ngoằn ngoèo trên bề mặt da. Kết cấu và màu sắc của phần da ở những đường này khác với phần da bình thường. Màu sắc thay đổi từ tím sang hồng nhạt, xám và nhạt dần theo thời gian.

Vết rạn da ở mỗi người cũng khác nhau, đôi khi là những đường dài mỏng nhưng cũng có thể xuất hiện thành từng chùm, mảng. Với những người có màu da sẫm, những vết rạn da có màu nhạt hơn màu da bình thường

Khi dùng ngón tay chạm vào những vết rạn da này có cảm giác hơi gồ ghề hoặc trũng, lõm xuống. Một số người còn có cảm giác ngứa, đau ở những vùng da bị rạn này.

Vết rạn da hay vết nứt da có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể bạn, nhưng thường gặp nhất là tạo phần bụng, đùi, ngực, mông. 

Rạn da thường xuất hiện ở phụ nữ

Rạn da thường xuất hiện ở phụ nữ

Nguyên nhân gây rạn da là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân gây rạn da, cụ thể đó là:

  • Rạn da rất thường gặp ở phụ nữ mang thai. Khi mang thai, các bộ phận trên cơ thể như bụng, ngực sẽ phát triển nhanh, tăng kích thước. Điều này khiến da bị kéo giãn quá mức, các sợi elastin, collagen bị đứt gãy, hình thành những vết rạn da có màu sậm hơn. 
  • Sự thay đổi, phát triển cơ thể nhanh chóng trong giai đoạn dậy thì khiến cân nặng, chiều cao tăng đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn. Chính điều đó đã khiến cho da bị rạn nứt, kéo giãn tạo ra những dải đường rạn da trên cơ thể.
  • Sử dụng hóa chất, thuốc, corticoid trong một khoảng thời gian dài cũng có thể gây nứt, rạn da bởi những tác dụng phụ mà chúng gây ra. Số lượng các vết rạn da nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cơ địa và thời gian sử dụng.
  • Các vết rạn da xuất hiện ở nam giới ngoài nguyên nhân dậy thì, việc tập luyện thể hình cũng có thể gây rạn nứt da. Khi luyện tập quá mức sẽ làm mất kiểm soát sự gia tăng khối lượng của cơ bắp. Khi đó, vùng vai, ngực phát triển nhanh chóng về kích thước, đồng thời dần xuất hiện các vết nứt hằn trên da. 
  • Béo phì là một trong những nguyên nhân khiến da bị rạn thời gian dài. Khi cơ thể tăng cân không kiểm soát thì nguy cơ bị rạn da càng cao.
  • Một số bệnh gây tăng cân cũng có thể khiến da bạn bị rạn nứt như các vấn đề về tuyến thượng thận (bệnh Cushing).
  • Do yếu tố di truyền: Một số chuyên gia cho rằng, rạn da có thể di truyền từ người thân trong gia đình. Người có bố, mẹ đã bị rạn da thì tiềm ẩn  nguy cơ bị rạn da cao hơn so với người bình thường.

Dậy thì nhanh cũng là nguyên nhân gây rạn da

Dậy thì nhanh cũng là nguyên nhân gây rạn da

Rạn da hay gặp ở đối tượng nào?

Thống kê cho thấy, rạn da xuất hiện nhiều ở phụ nữ. Cụ thể, có khoảng 50-90% phụ nữ bị rạn da. Mặc dù nam giới cũng bị rạn da nhưng tỷ lệ này không nhiều.

Phụ nữ mang thai bị rạn da nhiều hơn so với phụ nữ không mang thai. Khi bụng phát triển to hơn để tạo chỗ em bé, làn da của chị em sẽ căng ra. Mặt khác, hormone tăng đột biến khi mang thai cũng làm suy yếu cấu trúc da, từ đó gây rạn, nứt da. 

Rạn da cũng gặp nhiều ở cả đàn ông và phụ nữ béo phì, người tập thể hình cũng như trẻ em trong giai đoạn dậy thì.

Rạn da gây ảnh hưởng gì tới người mắc?

Rạn da tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng khiến người mắc cảm thấy mặc cảm, thiếu tự tin với làn da nhăn nheo, gồ ghề của mình. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống và hiệu quả công việc của người mắc.

Các cách điều trị rạn da là gì?

Làm gì để có thể điều trị rạn da hiệu quả, lấy lại làn da săn chắc khỏe mạnh là vấn đề mà người bị rạn da luôn trăn trở. Điều trị rạn da là cả một quá trình lâu dài, cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Do đó, người bị rạn da cần kiên trì điều trị, không nên cố gắng tìm các cách chữa thiếu cơ sở khoa học, được quảng cáo chữa khỏi hoàn toàn trong thời gian ngắn mà kết quả không như ý muốn, khiến tiền mất tật mang.

Hiện nay, để điều trị rạn da có những phương pháp phổ biến như sau:

Sử dụng kem, gel bôi da

Sử dụng kem bôi, gel bôi rạn da là phương pháp điều trị phổ biến được hầu hết chị em áp dụng. Tuy nhiên, để tránh gặp phải những tác dụng phụ hay phản ứng dị ứng, bạn cần tìm hiểu kỹ về thành phần, nguồn gốc xuất xứ nhằm yên tâm sử dụng.

Một số lưu ý khi sử dụng kem bôi rạn da là:

  • Kết hợp bôi kem và massage nhẹ nhàng vào vùng da bị rạn, giúp da thẩm thấu các tinh chất dễ dàng hơn.
  • Nên sử dụng trong thời gian dài, theo đề xuất của nhà sản xuất để đạt được hiệu quả cao nhất.
  • Việc dùng kem bôi rạn da chỉ có hiệu quả cao đối với những vết rạn da mới hình thành. Do đó, khi bạn có các dấu hiệu cho thấy da bị rạn thì cần bôi ngay.

Sử dụng thuốc tây y

Để điều trị rạn da, một số hoạt chất được sử dụng đó là:

  • Tretinoin: Tretinoin là một dạng retinol có tác dụng làm mờ vết rạn da. Nghiên cứu cho thấy, sử dụng kem chứa tretinoin trong khoảng 24 tuần các vết rạn da đều có xu hướng mờ dần.
  • Axit hyaluronic: Đây cũng là một hoạt chất giúp giảm thâm, mờ sẹo, mờ các vết rạn da hiệu quả.
  • Retinol giúp tăng sản xuất collagen làm mờ các vết rạn da, điều trị nếp nhăn, tuy nhiên có thể khiến da nổi mẩn đỏ, dị ứng hoặc tróc vảy.

Sử dụng sản phẩm thảo dược thiên nhiên

Hiện nay, nhiều chị em ưa chuộng dòng sản phẩm thiên nhiên giúp cải thiện tình trạng rạn da, với ưu điểm an toàn, không gây tác dụng phụ. Sản phẩm thiên nhiên chứa silica chiết xuất từ lá tre là một trong những lựa chọn mà chị em đang hướng đến. Silica giúp xúc tác tổng hợp các protid của mô liên kết, do đó khi cung cấp silica sẽ làm tăng hàm lượng collagen tự nhiên được chính cơ thể tổng hợp ra. Khi đó collagen được tạo ra sẽ phát huy tác dụng, đảm bảo làn da được căng mịn, săn chắc, hạn chế và cải thiện rạn nứt da.

Silica có trong lá tre giúp cải thiện tình trạng rạn da

Silica có trong lá tre giúp cải thiện tình trạng rạn da 

Sử dụng công nghệ cao

  • Liệu pháp laser Excimer: Phương pháp laser Excimer giúp cho vùng da bị rạn trở nên đều màu hơn nhờ vào việc kích thích sản xuất gelatin. Các vết rạn nứt sẽ bị che khuất và làm mờ.
  • Liệu pháp laser giúp nhuộm màu xung quanh, thúc đẩy sợi collagen hình thành và tái tạo hồi phục tế bào biểu mô dưới da. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao, phù hợp với người mới bị rạn da trong thời gian ngắn.
  • Phương pháp lột da sinh học giúp loại bỏ hoàn toàn phần da bị rạn nứt.

Sử dụng các phương pháp điều trị tại nhà

Bên cạnh những phương pháp trên, bạn hoàn toàn có thể kết hợp các biện pháp chống rạn da từ thiên nhiên, dễ thực hiện.

  • Sử dụng dầu oliu: Dầu oliu rất tốt cho da, bạn có thể massage bằng dầu oliu. Bạn cho một ít dầu oliu vào bàn tay, nhẹ nhàng massage lên vùng bụng giúp các vitamin A, D, E có trong dầu được da hấp thu tốt nhất. Nên massage khoảng 30 phút mỗi ngày.
  • Sử dụng rượu gừng nghệ: Rượu gừng nghệ được ngâm ít nhất 3 tháng thoa đều lên phần da bị rạn, làm mờ các vết rạn giúp da trắng hồng hơn.
  • Lòng trắng trứng gà: Trong lòng trắng trứng gà chứa protein giúp khôi phục và tái tạo collagen có trong da; Giúp tăng độ liên kết các tế bào dưới da và làm các vết rạn da sẽ mờ, hết dần theo thời gian, hạn chế tái phát.
  • Sữa bò: Trong sữa bò cũng chứa khá nhiều protein, đồng thời kèm theo các dưỡng chất khác, giúp da trắng sáng và làm mềm, mịn da. 

Chữa rạn da bằng lòng trắng trứng gà

Chữa rạn da bằng lòng trắng trứng gà

Phòng ngừa rạn da như thế nào?

Để phòng ngừa rạn da, bạn nên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng giúp làn da khỏe hơn như các vitamin, khoáng chất, đồng thời tạo lập thói quen tốt để hạn chế rạn da:

  • Vitamin A: Vitamin A hay còn được gọi là retinol có tác dụng giúp da trắng sáng, mịn màng, sáng khỏe hơn. Bạn có thể bổ sung vitamin A dưới dạng viên uống hoặc qua thức ăn như: Đu đủ, cà rốt, bí ngô,...
  • Vitamin D: Vitamin D giúp da chắc khỏe hơn, hạn chế được tình trạng rạn da. Do đó, bạn có thể bổ sung bằng cách tắm nắng để nhận được vitamin D từ ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nếu tắm nắng không đúng cách có thể khiến vết rạn da trầm trọng hơn. Bạn chỉ nên tắm nắng khoảng 15-20 phút vào lúc sáng sớm hoặc xế chiều.
  • Bảo vệ da trước các yếu tố khiến da bị lão hóa như khói bụi ánh nắng, hóa chất bằng cách mặc áo chống nắng, bôi kem chống nắng khi ra đường.
  • Uống nhiều nước để duy trì độ ẩm cho da.
  • Tăng cường luyện tập thể dục để lưu thông máu đến những vùng da bị tổn thương nhiều hơn.
  • Tẩy tế bào chết là một giải pháp giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo da mới hiệu quả, nên thực hiện 2 lần/ tuần.

Bổ sung vitamin A cho cơ thể giúp ngăn ngừa rạn da

Bổ sung vitamin A cho cơ thể giúp ngăn ngừa rạn da

Rạn da thực sự là nỗi niềm trăn trở của nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Qua bài viết vừa rồi, bạn đọc đã nắm rõ các thông tin về rạn da, từ đó có cách phòng ngừa và điều trị tốt hơn.

Hồng Đăng

Bình luận