Tiêu chảy (diarrhea) là một trong những căn bệnh hàng đầu gây tử vong cao ở trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Ước tính của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) cho thấy có khoảng 1,87 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. Tiêu chảy cấp tính thường kéo dài dưới 2 tuần và tiêu chảy mãn tính thường kéo dài hơn 4 tuần.

Tổng quan về tiêu chảy

Tiêu chảy là một căn bệnh với những triệu chứng dễ nhận biết, nhưng để xác định bản thân đang ở tiêu chảy mức độ nào và thuộc dạng nào, bạn cần nắm rõ các thông tin dưới đây:

Tiêu chảy là gì?

Người mắc bệnh tiêu chảy thường đi ngoài nhiều lần (3 lần/24h trở lên). Phân có dạng lỏng, thậm chí toàn nước, màu vàng hoặc nâu. Thông thường, các triệu chứng của tiêu chảy sẽ kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Tính chất của phân chính là yếu tố đánh giá trẻ có mắc tiêu chảy hay không, nếu đi ngoài nhiều lần mà phân không phải dạng lỏng thì không phải là tiêu chảy, trẻ bú mẹ hoàn toàn thì phân sẽ sệt. Bên cạnh tiêu chảy, một số các triệu chứng khác có thể đi theo kèm với bệnh như:

  • Cảm thấy đầy bụng, tức bụng hay sôi bụng
  • Lúc nào cũng cảm giác rằng mình cần đi vệ sinh
  • Buồn nôn, nôn ra thức ăn và nước.

Bị tiêu chảy khiến cho bé đi ngoài phân lỏng liên tục

Bị tiêu chảy khiến cho bé đi ngoài phân lỏng liên tục

 

Phân loại tiêu chảy:

Tiêu chảy cấp, phân lỏng

Đây là mức độ tiêu chảy thông thường mà nhiều người mắc phải, chiếm khoảng 80% trên tổng số các trường hợp tiêu chảy. Tiêu chảy cấp xuất hiện đột ngột và đôi khi bố mẹ không rõ nguyên nhân làm cho trẻ tiêu chảy. Thời gian tiêu chảy cấp không quá 14 ngày, thường sẽ rơi vào khoảng từ 5 đến 7 ngày. Tiêu chảy ngắn ngày cũng là một biểu hiện của bệnh tả.

 

Tiêu chảy cấp, đi ngoài ra máu (hội chứng lỵ)

Chiếm khoảng 10%-15%, có nơi 20% tổng số các trường hợp tiêu chảy. Do vị trí tổn thương của niêm mạc ruột nên tính chất phân có thể khác nhau, nếu tổn thương ở đoạn trên của ống tiêu hóa (ruột non) thì phân có nhiều nước lẫn máu nhầy. Nếu tổn thương ở đoạn dưới (đại tràng) phân ít nước, nhiều nhầy máu, có kèm theo mót rặn, đau quặn.

 

Tiêu chảy kéo dài

Là đợt tiêu chảy cấp kéo dài liên tục trên 14 ngày, chiếm khoảng 5-10% trên tổng số các trường hợp tiêu chảy. Thường phân không nhiều nước, mức độ nặng nhẹ thất thường, kèm theo rối loạn hấp thụ nặng hơn tiêu chảy cấp.

 

Nguyên nhân gây ra tiêu chảy

Chủ yếu nguyên nhân chính dẫn đến tiêu chảy do nhiễm khuẩn từ nguồn nước và thức ăn mà người bệnh sử dụng, một số nguyên nhân khác gồm có:

 

Virus

Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và có nguy cơ tử vong cao đối với trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ lớn và người lớn ít bị tiêu chảy do Rotavirus hơn. Một số loại virus khác có thể gây tiêu chảy có thể kể đến như: Adenovirus, Enterovirus, Norovirus. Covid -19 cũng có các triệu chứng bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa hay tiêu chảy.

Vi khuẩn

Một số chủng vi khuẩn có trong thực phẩm không đảm bảo hoặc nguồn nước bị ô nhiễm gây tiêu chảy cho trẻ gồm có:

  • E.Coli sinh độc tố ruột là tác nhân gây tiêu chảy cấp, phân lỏng ở trẻ em.
  • Trực khuẩn lỵ: Gây bệnh ở trẻ nhỏ, gây tiêu chảy phân nước hoặc phân máu.
  • Vi khuẩn tả: Gây tiêu chảy xuất tiết bằng độc tố tả, gây mất nước và điện giải nặng ở cả trẻ em và người lớn.

Sử dụng kháng sinh kéo dài

Một số loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh, khi sử dụng có thể gây tiêu chảy nghiêm trọng. Thuốc kháng sinh ngăn chặn nhiễm trùng bằng cách tiêu diệt vi khuẩn xấu nhưng chúng cũng tiêu diệt luôn cả vi khuẩn tốt có trong đường ruột. Điều này vô tình làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, gây ra tiêu chảy hoặc nhiễm trùng bội nhiễm. Một số loại thuốc khác cũng gây ra tiêu chảy có thể kể đến như thuốc chống ung thư, thuốc kháng acid và magie.

 

Uống kháng sinh làm cho trẻ bị rối loạn hệ vi sinh đường ruột gây tiêu chảy

Uống kháng sinh làm cho trẻ bị rối loạn hệ vi sinh đường ruột gây tiêu chảy

 

Không dung nạp được lactose

Lactose là một chất có trong sữa hay các sản phẩm có thành phần là sữa. Những trẻ không dung nạp được lactose sẽ tiêu chảy sau khi dùng sữa. 

Các loại đường nhân tạo

Sorbitol, erythritol và mannitol - chất tạo ngọt nhân tạo là loại đường không hấp thụ được tìm thấy trong kẹo cao su và các sản phẩm không đường khác - gây tiêu chảy ở một số trẻ.

Các rối loạn tiêu hóa

Tiêu chảy mãn tính cũng là triệu chứng của một số bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét đại tràng, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn, sự phát triển quá mức của các vi khuẩn xấu có trong ruột non.

 

Biến chứng nguy hiểm khi tiêu chảy kéo dài

Biến chứng đầu tiên của tiêu chảy kéo dài chính là mất nước và các chất điện giải. Ngoài ra, một số biến chứng nghiêm trọng khác có thể kể đến như:

  • Giảm cân, thiếu hụt chất dinh dưỡng nếu không được tiếp tục nuôi dưỡng tốt dẫn đến suy dinh dưỡng nghiêm trọng.
  • Niêm mạc ruột bị phá hủy và gây ra tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc.

Biến chứng nặng nhất của tiêu chảy kéo dài chính là suy thận cấp và dẫn đến tử vong.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?

Thông thường, tiêu chảy sẽ tự hết sau 2-3 ngày điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài, nếu không điều trị dứt điểm có thể gây ra tình trạng tiêu chảy mạn tính, rất khó điều trị.

Bố mẹ có thể tự điều trị tiêu chảy tại nhà cho trẻ trong trường hợp bệnh không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, cần đi khám ngay khi bạn có một trong các biểu hiện sau:

  • Đi ngoài phân lỏng rất nhiều  lần (đi liên tục).
  • Nôn tái diễn.
  • Khát nước liên tục.
  • Ăn uống kém hoặc bỏ bú.
  • Tình hình tiêu chảy của trẻ không khả quan sau 3 ngày điều trị.
  • Trẻ sốt cao.
  • Có máu trong phân.

Cách điều trị và xử lý tiêu chảy cấp tốc cho trẻ

Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần có hướng xử lý phù hợp để giúp trẻ bù lại lượng nước bị mất và điều trị giảm triệu chứng. 

Bù nước cho trẻ

Bước đầu tiên cần thực hiện khi trẻ tiêu chảy kéo dài là cho trẻ uống nước hay các dung dịch điện giải (oresol, pocari,...) để tránh mất nước. Nước dừa hay nước ấm được pha với một chút muối sẽ giúp cơ thể nhanh hấp thu hơn. Không cho trẻ uống sữa hay các thức ăn làm từ sữa trong vòng từ 24-48 tiếng vì chúng có thể làm cho bệnh tiêu chảy trở nên nghiêm trọng hơn. Ăn đồ ăn dạng lỏng và nhiều nước như súp hoặc cháo loãng để để tránh cho hệ tiêu hóa phải làm việc quá nhiều.

Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy

Bước tiếp theo cần thực hiện là sử dụng các thuốc chống tiêu chảy để kiểm soát các triệu chứng  nghiêm trọng do tiêu chảy gây ra. Cẩn trọng với những trẻ sốt cao, tiêu chảy ra máu vì chúng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn. Một số loại thuốc tiêu chảy có thể dùng được cho trẻ như smecta, lacteol fort hay hidrasec,...

Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ

Trong quá trình điều trị tiêu chảy, cần chú ý bổ sung cho trẻ các chất khoáng và các loại vitamin bị hao hụt, đặc biệt là canxi, kali, magie hay kẽm. Mẹ có thể cho trẻ sử dụng men vi sinh hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa lợi khuẩn Bacillus subtilis để cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột.

 

Cho trẻ uống đủ nước và dung dịch điện giải khi tiêu chảy kéo dài

Cho trẻ uống đủ nước và dung dịch điện giải khi tiêu chảy kéo dài

 

Phòng ngừa tiêu chảy sao cho hiệu quả:

Điều trị tiêu chảy tuy làm giảm nguy cơ tử vong nhưng không làm giảm tỷ lệ tiêu chảy ở trẻ. Để tránh mắc tiêu chảy hoặc tái phát tiêu chảy, một vài phương pháp phòng ngừa tiêu chảy có mọi lứa tuổi cần được chú ý như sau:

Nuôi con bằng sữa mẹ

Trong 6 tháng đầu đời, trẻ cần được bú mẹ hoàn toàn. Miễn dịch của mẹ truyền cho bé sẽ giúp bé tránh nhiễm trùng hay các bệnh do nhiễm khuẩn khác (như viêm phổi). Trẻ được bú mẹ hoàn toàn sẽ ít mắc bệnh tiêu chảy và có tỉ lệ tử vong thấp hơn so với những trẻ không bú mẹ hoặc không được bú mẹ hoàn toàn. Bên cạnh đó, hiện tượng không dung nạp sữa - một nguyên nhân lớn gây tiêu chảy rất hiếm gặp ở trẻ bú mẹ.

Cho trẻ ăn thức ăn bổ sung cho trẻ

Trẻ nên được ăn thức ăn bổ sung khi trẻ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, có thể cho trẻ ăn thức ăn bổ sung luôn sau 4 tháng tuổi nếu trẻ phát triển kém. Cho trẻ ăn các thức ăn được nghiền nhỏ và bổ xung thêm thịt, cá, trứng và hoa quả. Thức ăn nên nấu nhừ, có rau và dầu ăn (5-10ml/bữa)

Sử dụng nước sạch khi sinh hoạt

Lựa chọn nguồn nước sạch hoặc các công ty cung cấp nước sạch trong khu vực. Không tắm, giặt và đại tiện gần nguồn nước. Nước chứa trong chum, vại cần rửa sạch hằng ngày và có nắp đậy. Không để cho người và động vật uống nước trực tiếp vào chum vại. Chỉ uống nước đã được lọc hoặc nước đun sôi để nguội.

Rửa tay thường xuyên

Yếu tố vệ sinh luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là với tình hình dịch bệnh bất ổn. Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng diệt khuẩn. Thời gian rửa tay tối thiểu là 2 phút.

Lựa chọn thực phẩm an toàn

Thực phẩm chính là nguyên nhân chính của phần lớn các trường hợp mắc tiêu chảy cấp hiện nay. Không ăn thực phẩm sống, nấu kỹ thức ăn, ăn thức ăn nóng hoặc hâm lại trước khi ăn, rửa sạch và làm khô tất cả các dụng cụ trước và sau khi nấu ăn. Cho vào tủ lạnh hoặc đậy kín với những thực phẩm ăn không hết.

Phòng bệnh bằng vaccine

Tiêm phòng sởi có thể giảm tỷ lệ mắc và mức độ trầm trọng của tiêu chảy. Các vaccine khác như vaccine phòng rota vaccine lỵ, vaccine E.coli đang được nghiên cứu sản xuất và sẽ được đưa vào sử dụng trong tương lai.

tre-uong-khang-sinh-phong-tieu-chay-rota.jpg

Cho trẻ uống vaccine phòng Rotavirus- tác nhân gây tiêu chảy

Một số câu hỏi cha mẹ thường gặp khi con bị tiêu chảy

Khi trẻ bị tiêu chảy, các bậc cha mẹ thường rất băn khoăn, lo lắng không biết phải xử lý như thế nào cho phù hợp. Sau đây là một số thắc mắc của cha mẹ khi có con bị tiêu chảy:

Nên kiêng gì khi tiêu chảy?

Một số dung dịch gây nguy hiểm nên tránh sử dụng khi bị tiêu chảy, đặc biệt là các loại nước ngọt có đường vì đường có thể gây tiêu thẩm thấu và tăng natri máu. Các loại nước uống công nghiệp chứa CO2, nước trà đường, nước trái cây công nghiệp. Một số dung dịch khác nên tránh vì chúng là những chất kích thích gây lợi tiểu và có tính tẩy như cà phê, các loại trà thuốc hoặc dung dịch truyền.

Tiêu chảy có nguy hiểm không?

Tuy tiêu chảy là một căn bệnh phổ biến, nhưng không có nghĩa là nó không hề nguy hiểm. Trong trường hợp trẻ mất nước và chất điện giải quá nhiều mà không được bổ sung kịp thời, nguy cơ tử vong hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, bố mẹ hãy cố gắng bổ sung nước và điện giải cho trẻ đúng, đủ và kịp thời.

Tiêu chảy có lây không?

Thực tế, tiêu chảy là một bệnh rất dễ lây lan và bùng phát thành ổ dịch nếu không được chú ý về nguồn nước và nơi đi vệ sinh. Với những khu vực đông dân cư nhưng chất lượng thực phẩm và nguồn nước không tốt, một người bị tiêu chảy rất dễ lây lan cho các thành viên trong gia đình và các nhà sống trong khu vực gần đó. Tuyệt đối không cho trẻ dùng chung khăn tắm, ga giường hay quần áo chung với trẻ đang mắc tiêu chảy.

Bị tiêu chảy nên ăn gì?

Một chế độ ăn uống tốt hoàn toàn có thể giúp trẻ giảm đáng kể các triệu chứng tiêu chảy. Mẹ có thể lựa chọn các thực phẩm được gợi ý dưới đây cho trẻ:

  • Khoai lang, khoai tây hay những thực phẩm giàu kali
  • Trái cây tươi hay rau xanh.
  • Gạo, mì sợi, bánh mỳ trắng.
  • Thịt gà bỏ da, thịt nạc xay, cá.

 

Như vậy, khi trẻ có những biểu hiện của tiêu chảy, bố mẹ không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh điều trị và bù nước cho trẻ. Hãy cố gắng duy trì cho mình và gia đình một môi trường sống sạch sẽ, hợp vệ sinh, chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng, và bổ sung thêm lợi khuẩn, vitamin và khoáng chất cho trẻ mỗi ngày.

Minh Huệ

 

 

Bình luận