Trẻ biếng ăn và những mẹo hay cho mẹ giúp bé ăn ngon miệng
Biếng ăn là một trong những căn bệnh phổ biến, trong đó trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc chứng biếng ăn hàng đầu. Bài viết này sẽ giúp mẹ tìm hiểu nguyên nhân và chia sẻ những mẹo hay khắc phục chứng biếng ăn.
Bé biếng ăn, không chịu ăn
Biếng ăn là gì? Cách nhận biết biếng ăn ở trẻ?
Biếng ăn là hiện tượng rối loạn ăn uống và trẻ thường không có cảm giác thèm ăn, thậm chí hoảng sợ khi đến bữa ăn. Biếng ăn ở trẻ được chia ra 3 loại phổ biến nhất: Biếng ăn sinh lý, biếng ăn tâm lý và biếng ăn bệnh lý.
Dấu hiệu biếng ăn ở trẻ
Khi trẻ bỏ bữa, phụ huynh thường cho rằng trẻ biếng ăn và trở nên lo lắng. Tuy nhiên, chứng biếng ăn ở trẻ cần được xác định bởi một vài hay toàn bộ các dấu hiệu sau:
- Trẻ liên tục không chịu ăn liên tục từ 3 tuần đến hơn 1 tháng.
- Thời gian ăn của trẻ kéo dài hơn 30 phút.
- Trẻ không tỏ ra thèm ăn hay đòi ăn.
- Trẻ không chịu ăn nữa khi mới ăn được vài miếng.
- Trẻ quấy khóc, sợ hãi thậm chí nôn ọe khi đến giờ ăn hoặc khi thấy thức ăn được dọn ra.
Nguyên nhân làm cho trẻ biếng ăn
Cùng một dấu hiệu biếng ăn nhưng không phải nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ là như nhau. Thông thường, biếng ăn ở trẻ chia ra thành 3 loại theo các nguyên nhân chính:
Biếng ăn sinh lý
Biếng ăn sinh lý xảy ra trong giai đoạn trưởng thành của trẻ, do những thay đổi về thể chất và trí tuệ. Trẻ nhận thức được nhiều điều hơn trong cuộc sống nên dễ bị xao lãng, mất tập trung khi ăn. Các giai đoạn trẻ biếng ăn sinh lý nằm trong khoảng từ 3-4 tháng, 8-10 tháng, 18-20 tháng.
Biếng ăn tâm lý
Với loại biếng ăn này, nguyên nhân chính là từ yếu tố tâm lý của trẻ. Việc bố mẹ cáu gắt, dọa nạt và ép trẻ ăn khi bé bị biếng ăn sinh lý hoặc biếng ăn bệnh lý làm cho trẻ sợ hãi và ám ảnh. Lâu dần, việc ăn đối với bé rất đáng sợ và bé cảm thấy chán ghét khi phải ăn.
Bên cạnh đó, trẻ tới một môi trường mới, thay đổi giờ ăn hoặc phải xa bố mẹ cũng ảnh hưởng nhiều tới tâm lý của trẻ. Bé thường có cảm giác lo lắng và bất an nên thường không có cảm giác đói và muốn ăn.
Thay đổi môi trường làm cho bé lo lắng và không chịu ăn
Biếng ăn bệnh lý
Biếng ăn bệnh lý ở trẻ có thể xảy ra ngay ở giai đoạn sơ sinh. Nếu người mẹ suy dinh dưỡng hoặc thai nhi không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển, trẻ sinh ra sẽ không bú sữa mẹ hoặc bỏ bú sữa mẹ từ rất sớm. Với những trẻ lớn hơn, nguyên nhân của biếng ăn bệnh lý có thể do:
- Trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, đau họng, nghẹt mũi hay những bệnh về đường tiêu hóa như giun sán, đau dạ dày, đau tá tràng.
- Trẻ đang trong tuổi mọc răng, trẻ bị đau răng hay nhiệt miệng làm cho trẻ khó nhai hay khó nuốt.
- Trẻ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm ruột. Nhiễm khuẩn làm cho các vitamin và chất khoáng có trong cơ thể trẻ bị mất đi. Bên cạnh đó còn gây ra loạn khuẩn đường ruột làm cho bé khó tiêu, đầy bụng.
- Yếu tố di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị đang mắc hoặc đã từng mắc chứng biếng ăn thì nguy cơ trẻ mắc biếng ăn bệnh lý là khá cao.
Biến chứng nguy hiểm khi biếng ăn kéo dài
Trẻ biếng ăn kéo dài không những làm cho bé mệt mỏi và mất sức mà lâu dần khiến cho trẻ mắc phải những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển toàn diện của trẻ. Cụ thể:
Suy giảm sức đề kháng
Việc trẻ biếng ăn lâu ngày dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt chất dinh dưỡng, thiếu năng lượng cung cấp cho tế bào hoạt động, từ đó dẫn đến sức đề kháng trẻ bị suy giảm, trẻ dễ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp và các bệnh lý do vi khuẩn, virus khác.
Biếng ăn làm sức đề kháng của trẻ yếu và dễ bị bệnh
Suy dinh dưỡng
Đây là biến chứng đầu tiên và dễ nhận biết nhất khi trẻ mắc chứng biếng ăn kéo dài. Trẻ gầy gò, thấp bé nhẹ cân hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Không được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và các vitamin cần thiết làm hệ miễn dịch của trẻ rất yếu. Trẻ biếng ăn rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, từ đó tạo ra vòng tròn bệnh lý: Bé biếng ăn làm cho bé bị ốm, khi bé bị ốm bé lại càng không muốn ăn.
Chậm phát triển trí tuệ
Nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra: Những trẻ biếng ăn chỉ có chỉ số phát triển trí tuệ (MDI) là 96 điểm, thấp hơn so với những trẻ ăn uống bình thường có chỉ số MDI là 110. Do không đủ năng lượng cho hoạt động hằng ngày, trẻ biếng ăn thường xuyên mệt mỏi, đờ đẫn và mất tập trung ảnh hưởng tới tư duy và khả năng học tập của trẻ.
Ảnh hưởng xấu tới các hệ cơ quan trong cơ thể
Khi suy dinh dưỡng và nôn mửa kéo dài, trẻ có nguy cơ tổn thương tim rất cao do có nhịp tim không ổn định, lúc nhanh lúc chậm. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ biếng ăn bị huyết áp thấp cũng rất cao. Thức ăn không được đưa vào hoặc đưa với lượng rất ít làm cho hệ tiêu hóa của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, một số biến chứng nguy hiểm khác ở trẻ khi biếng ăn kéo dài có thể kể đến như tăng khả năng gãy xương và loãng xương so với trẻ cùng độ tuổi, thiếu máu hoặc mắc các bệnh liên quan đến bạch cầu cấp. Vì thế, với trẻ biếng ăn kéo dài, các phương pháp điều trị hiệu quả cho phụ huynh gồm có:
Suy dinh dưỡng là biến chứng đầu tiên khi trẻ biếng ăn kéo dài
Phương pháp điều trị biếng ăn cho trẻ
Dưới đây là các phương pháp điều trị tại nhà cho trẻ biếng ăn. Nếu bạn đã thực hiện nhưng không cải thiện chứng biếng ăn ở trẻ, phụ huynh cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để điều trị.
Với biếng ăn sinh lý
Các triệu chứng sẽ tự động mất đi trong khoảng từ 7 đến 14 ngày nên cha mẹ không cần quá lo lắng. Kiên nhẫn với bé và tính toán thời gian cho những mốc thời gian đặc biệt trong quá trình trưởng thành của con.
Hầu hết trẻ thường ăn thức ăn rắn từ khoảng 4 đến 6 tháng, nhưng có một số trẻ sớm hơn hoặc muộn hơn. Giống như tập lẫy, tập bò, tập đi,...việc theo dõi chính xác được các giai đoạn trưởng thành của trẻ sẽ giúp bố mẹ đoán được về thời gian biếng ăn sinh lý xảy ra và có những kế hoạch để cải thiện.
Với biếng ăn bệnh lý
Không cho trẻ uống quá nhiều kháng sinh khi trẻ ốm. Kháng sinh giúp tiêu diệt các hại khuẩn nhưng đồng thời cũng tiêu diệt luôn các lợi khuẩn trong đường ruột. Mất cân bằng hệ vi sinh làm cho trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa và mắc các bệnh tiêu hóa khác. Giảm đau cho trẻ khi trẻ đau răng hoặc loét miệng. Không chỉ vậy, bố mẹ cho trẻ tiêm các vaccine phòng bệnh truyền nhiễm. Thức ăn cho trẻ ăn thường ở dạng lỏng, miếng vừa ăn hoặc dễ nuốt.
Với biếng ăn tâm lý
Khi trẻ có tâm lý sợ hãi khi ăn, bố mẹ cần cố gắng giữ cho bầu không khí trong bữa ăn được thoải mái, vui vẻ như nói với bé những lời động viên, khuyến khích như khen thức ăn ngon với bé, khen bé giỏi khi bé ăn hết phần cơm
Bầu không khí vui vẻ làm bé thích thú khi ăn
Những mẹo hay giúp bé ăn ngon miệng nhanh chóng
Để giúp trẻ hết biếng ăn, thích thú với bữa ăn hơn, cha mẹ không nên quá nôn nóng mà nên áp dụng một số mẹo sau đây:
Tránh làm cho trẻ phân tâm trong bữa ăn của mình
Trẻ chỉ nên chú ý vào duy nhất một thứ khi đến bữa là đồ ăn của mình. Tắt tivi, dọn đồ chơi và sách bút để trẻ tập trung hơn khi ăn.
Căn chỉnh thời gian ăn của trẻ hợp lý
Một bữa ăn trung bình rơi vào khoảng 20 phút đối với trẻ nhỏ và 30 phút đối với trẻ lớn. Đừng quá vội vàng muốn trẻ ăn nhanh hơn mà để cho bé chậm rãi thưởng thức. Thức ăn để lâu sẽ bị thay đổi mùi vị và màu sắc, vì thế hãy dọn bàn đi sau khi hết thời gian, tuyệt đối không để cho bé nghịch thức ăn.
Cho trẻ ăn cùng với gia đình
Không khí vui vẻ của bữa ăn và thói quen bắt chước người lớn sẽ làm cho trẻ thích thú và hào hứng với bữa ăn hơn. Cố gắng duy trì cố định thời gian ăn trong ngày để trẻ biếng ăn có một thời gian biểu cân bằng và khỏe mạnh.
Để cho em bé được chạm vào thức ăn của mình
Bạn có thể sẽ không ăn một món ăn mà bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước đây hoặc không được nhìn nó. Trẻ cũng vậy, vì thế hãy để trẻ được chạm vào thức ăn của mình khi ăn.
Hãy để cho bé chủ động ăn
Đến tháng thứ 9, nhiều bé thích được tự xúc ăn. Mặc dù những bé biếng ăn sẽ tỏ ra thờ ơ và làm rơi vãi thức ăn nhưng việc chủ động cho bé tự ăn cũng là cách để tăng khả năng tự lập và sự thích thú khi ăn cho bé.
Được chủ động ăn làm cho bé hào hứng với bữa ăn
Thực đơn cho trẻ biếng ăn cần lưu ý gì?
Bữa ăn của bé cần được chuẩn bị đa dạng 5 nhóm thực phẩm chính là tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và chất khoáng. Vì vậy, cha mẹ hãy:
- Thay đổi các nguyên liệu hoặc phương pháp chế biến món ăn để bé luôn cảm thấy mới lạ. Với những bé cảm thấy sợ hãi khi thử đồ ăn mới, hãy kiên nhẫn để cho bé thử từ 10-15 lần, tránh để cho bé kén ăn, chỉ ăn món bé thích.
- Chế biến những món ăn có màu sắc tươi sáng và hình thù bắt mắt để kích thích sự tò mò của trẻ.
Những món ăn được trình bày bắt mắt làm trẻ hào hứng khi ăn
- Bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng phù hợp với tình trạng của trẻ. Ví dụ: Bổ sung thêm sắt cho trẻ thiếu máu, bổ sung kẽm cho trẻ còi cọc và bổ sung thêm lysine đối với trẻ ăn ít chất đạm hay thiếu sữa.
- Bổ sung những lợi khuẩn có trong sữa chua hay các thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Một số lợi khuẩn Probiotic hay Bacillus subtilis sẽ giúp trẻ dễ hấp thu chất dinh dưỡng và ăn ngon miệng hơn. Từ đó giúp cho hệ miễn dịch của trẻ trở nên hoàn thiện.
- Một vài sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu lành tính như cao bạch truật, hoài sơn, cao sơn tra,... cũng đã được chứng minh lâm sàng về tính hiệu quả trong hỗ trợ điều trị trẻ ăn ngon và tăng cường sức đề kháng.
Nhìn chung, biếng ăn ở trẻ tuy gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt thường ngày của trẻ và bố mẹ, nhưng nó không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Một chế độ ăn đa dạng nguyên liệu cùng phương pháp cho trẻ ăn hợp lý sẽ khiến cho tình trạng biếng ăn ở trẻ nhanh chóng qua đi. Chúc bố mẹ thành công!
Minh Huệ
Bình luận